logo

Đến với vùng đất Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình ai ai cũng phải trầm trồ về cảnh sắc nơi này bởi núi non, rừng già và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Đặc biệt, Huyện Lạc Sơn có tổng diện tích rừng lớn với diện tích rừng đặc dụng là 12.432,54 ha, rừng phòng hộ là 8.961,1 ha và rừng sản xuất là 13.862,35 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn huyện đạt 53%. Rừng không những đã mang đến cho Lạc Sơn nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế mà còn ban tặng cho vùng đất này nhưng giọt mật tinh túy từ giống ong nội chăm hút mật hoa rừng. Mật ong Văn Nghĩa là một trong những điển hình cho sự tinh túy và thuần khiết ấy.

Mật ong Văn Nghĩa của hộ gia đình chị Bùi Thị Yến từ lâu đã nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, mật dẻo, độ ngọt sắc. Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn thức ăn dồi dào nên nghề nuôi ong mật ở xã Văn Nghĩa nói riêng và các xã thuộc huyện Lạc Sơn nói chung ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, cùng với nhiều hộ dân ở xã Văn Nghĩa hưởng ứng chủ trương của Nhà nước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia đình chị Bùi Thị Yến đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Với lợi thế diện tích rừng và cây ăn quả phong phú nên quy mô của mô hình ngày càng phát triển.

Chị Yến kể rằng, để có được những giọt mật ong thơm ngon, tinh khiết đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đối với nghề nuôi ong, điều quan trọng nhất là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, cho lượng mật cao. Khi tách đàn, chia đàn vào thùng, ong sẽ tự bay đi lấy mật hoa. Việc phòng, chống dịch bệnh cũng được đặt lên hàng đầu để tránh bệnh thối ấu trùng.

            Khi nuôi ong thả rừng, để thu mật ong nguyên chất phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ thu mật, phễu lọc, thùng quay mật, chổi quét ong, dao cắt, bình phun khói găng tay, khay cắt nắp, thùng chuyển cầu ong… Trước khi quay mật, tất cả dụng cụ phải được rửa sạch, lau khô. Thời điểm thích hợp để quay là khi đàn ong đã vít nắp 60 - 70%. Khi quay mật, thao tác giũ ong để lấy mật phải thật lưu ý giữ an toàn cho ong chúa. Cầu ong luôn được giữ ở tư thế thẳng đứng, cánh tay cố định, rung mạnh từ cổ tay làm cho ong thợ rụng xuống đáy thùng và phải rung liên tục không cho ong đậu tiếp vào cầu.

            Tiếp theo là thao tác cắt nắp, cầu ong đặt chéo 300 so với đường thẳng đứng, 1 góc lì vào khay cắt nắp, tay trái giữ cầu, tay phải dùng dao lia nhẹ để hớt nắp mật trên bánh tổ. Sau cùng là quay mật, yêu cầu thao tác phải nhẹ nhàng, tốc độ quay từ chậm đến nhanh dần. Các vụ mật cách nhau khoảng 1 tháng, thời gian thu mật ở đây kéo dài khoảng nửa năm, thường từ tháng 4 đến tháng 9 khi thời tiết ấm áp, muôn hoa bung nở khắp núi rừng.

            Đến vụ thu hoạch mật càng không gấp gáp, vội vàng mà phải chờ đến khi những ngăn chứa được ong trát kín bằng sáp ong mới dùng kỹ thuật để lấy bánh tổ ong ra khai thác mật như thế mới có được mật ong chín đúng độ, chất lượng hảo hạng.Tuyệt đối không vì lợi nhuận mà làm mất đi tiếng thơm về đặc sản mật ong trứ danh ngọt vị, thơm hương, sánh quyện.

Mật ong Văn Nghĩa là loại thực phẩm bổ dưỡng, có nhiều tác dụng và tốt cho sức khỏe người dùng. Điểm đặc biêt làm nên chất lượng tuyệt hảo của mật ong Văn Nghĩa là tinh chất quý từ loài hoa rừng. Nhấp chút mật ong nơi đầu lưỡi có thể cảm nhận được vị ngọt ngào của tinh chất thiên nhiên và mùi thơm thoang thoảng của hương rừng.

.           Nếu có dịp về với mảnh đất Văn Nghĩa của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, thực khách đừng quên thưởng thức mật ong Văn Nghĩa như một món quà tinh khiết từ thiên nhiên. Vị ngọt của mật ong hòa quyện với hương thơm của hoa rừng trong màu nắng vàng rộn của mùa hè, hay sự mát mẻ của mùa thu sẽ khiến chúng ta thấy trân trọng hơn những giá trị mà tự nhiên đang hàng ngày ban tặng cho cuộc sống của con người.

 

 

 

G

0379660433